(ĐCSVN) – Bên thềm xuân mới Bính Thân 2016, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Na Uy tại Việt Nam Siren Gjerme Eriksen bày tỏ tin tưởng vào triển vọng hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam và Na Uy.
Phóng viên (PV): Xin bà cho biết nhận định của mình về kinh tế Việt Nam trong 2015?
Đại sứ Siren Gjerme Eriksen: Việt Nam đã có bước chuyển mình từ một trong những quốc gia nghèo nhất tới một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á và tiếp tục đạt mức tăng trưởng ấn tượng trong 2015, bất chấp xu hướng khó khăn chung của khu vực. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, nền kinh tế đã tăng trưởng 6.5%. Năm 2015, Việt Nam cũng đạt những kết quả đáng khích lệ trong đàm phán các hiệp định thương mại, mở đường cho sự hợp tác quốc tế sâu rộng hơn trong lĩnh vực thương mại và đầu tư.
Ngân hàng Thế giới dự báo Việt Nam là một trong số những quốc gia có triển vọng tăng trưởng cao nhất trong giai đoạn 2016-2018. Việt Nam có nhiều thuận lợi để đạt được điều đó, nhất là trong bối cảnh là một vị trí trung tâm của châu Á, với nhân công cần cù lao động và cơ cấu dân số trẻ.
Thành công của Việt Nam trong việc theo đuổi mục tiêu phát triển thiên niên kỷ và kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn mới tạo ra nền tảng vững chắc để cải thiện các mục tiêu phát triển bền vững của đất nước.
Tôi cũng coi đây là một cơ hội để nhấn mạnh rằng, theo kinh nghiệm phát triển của Na Uy cũng như nhiều quốc gia khác bình đẳng giới là một kênh quan trọng của phát triển kinh tế. Điều quan trọng nhất quyết định tới năng lực cạnh tranh của một quốc gia là nguồn nhân lực chất lượng cao với các kỹ năng và năng suất lao động chuyên nghiệp. Đảm bảo chất lượng phát triển và gia tăng nguồn vốn quốc gia có một phần đóng góp lớn của việc năng lực cạnh tranh của quốc gia đó được cải thiện như thế nào.
PV: Năm 2015 đánh dấu tiến trình Việt Nam hội nhập sâu rộng khu vực và thế giới. Theo bà, các hiệp định thương mại tự do (FTAs) sẽ tác động thế nào tới Việt Nam trong năm 2016. Việt Nam cần tận dụng lợi ích từ các FTAs như thế nào, thưa bà?
Đại sứ Siren Gjerme Eriksen: Nền kinh tế Việt Nam có độ mở rõ rệt. Với việc tham gia vào cộng đồng kinh tế ASEAN, chấp nhận cạnh tranh thương mại tự do với các nước châu Âu và nhất là tham gia vào Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là những minh chứng sinh động cho sự hợp tác phát triển của Việt Nam trong năm qua. Điều này cũng cho thấy, Việt Nam đã thừa nhận tầm quan trọng của đầu tư thương mại quốc tế phục vụ cho tăng trưởng kinh tế. Hiệp định tự do thương mại toàn diện như HIệp định mà Việt Nam đang đàm phán với Na Uy để thông qua là Hiệp định thương mại tự do châu Âu (bao gồm các thành viên: Na Uy, Ai-len, Công quốc Liechtenstein và Thụy Sĩ) giúp nhà đầu tư tự tin đầu tư vào thị trường này và bằng cách đó, tạo ra các cơ hội việc làm trong nước cũng như gia tăng giá trị và góp phần vào sự phát triển chung. Các Hiệp định thương mại tự do cũng mở ra nhiều cơ hội thị trường cho các sản phẩm của Việt Nam và giúp Việt Nam trong phát triển một nền kinh tế cạnh tranh toàn cầu.
Cũng sẽ có những thách thức tiềm ẩn cho giới doanh nhân Việt trong việc cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập sâu rộng toàn cầu. Tuy nhiên, về cơ bản, nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam sẽ tận dụng được một cách tối đa lợi ích từ việc tham gia các Hiệp định thương mại tự do nếu tạo ra nhiều hàng hóa xuất khẩu, bảo đảm các điều kiện tổ chức tốt cho các nhà đầu tư, mở cửa nền kinh tế theo hướng bền vững, khuyến khích môi trường pháp lý minh bạch, gia tăng trách nhiệm và chính sách thuế cũng như bảo đảm luật pháp quốc gia tương thích với các cam kết WTO và các Hiệp định thương mại tự do. Trong quan hệ hợp tác với các quốc gia, chẳng hạn như với Na Uy, Việt Nam có thể đẩy mạnh và gia tăng hơn các bước nhất là hướng tới xây dựng một xã hội công nghiệp hóa, hiện đại dựa trên mối quan hệ bình đẳng, cùng có lợi.
Đại sứ Siren Gjerme Eriksen: Một số công ty Na Uy hiện đang kinh doanh ở Việt Nam và đóng góp vào việc tạo ra giá trị cũng như cơ hội việc làm trong nước. Chúng tôi nhận thấy sự gia tăng đầu tư từ các công ty Na Uy với Việt Nam ở nhiều lĩnh vực, đơn cử như: Hàng hải, nghề cá, nuôi trồng thủy sản, dầu mỏ, công nghệ thông tin cùng khoa học và công nghệ môi trường.
Cả Việt Nam và Na Uy đều là quốc gia biển và có thế mạnh trong lĩnh vực biển đảo, hàng hải. Đây là tiềm năng hợp tác to lớn. Na Uy là một trong những quốc gia phát triển nhất trong lĩnh vực hàng hải và lực lượng thủy thủ đoàn, xưởng đóng tàu cùng các trang thiết bị tàu biển được đánh giá rất cao ở Việt Nam.
Hai nước chúng ta cũng đều thuộc hàng đầu thế giới trong sản xuất hải sản. Na Uy là một trong những nền công nghiệp nuôi trồng thủy hải sản hàng đầu thế giới và nhiều công ty của Na Uy đã thiết lập quan hệ hợp tác, làm ăn với các công ty của Việt Nam, nhằm giúp Việt Nam phát triển nền công nghiệp thủy hải sản một cách bền vững và cung ứng hải sản chất lượng cao cho thị trường thế giới.
Na Uy cũng có nền công nghiệp dầu khí phát triển với nhiều dịch vụ và sản phẩm chất lượng, uy tín đã cung cấp cho công nghiệp dầu khí của Việt Nam. Chúng tôi cũng có nhiều chương trình phát triển, chuyển giao khoa học công nghệ hóa dầu cho Việt Nam. Nền công nghiệp viễn thông của chúng tôi cũng là một trong số những quốc gia hàng đầu thế giới được tin cậy ở khu vực châu Á.
Nền công nghiệp của Na Uy đã gần như đạt đến đích của sự phát triển bền vững, gồm có bảo vệ môi trường và đảm bảo trách nhiệm xã hội. Tôi tin rằng kinh nghiệm phát triển công nghiệp Na Uy và kinh nghiệm của các công ty Na Uy trên nhiều lĩnh vực sẽ có giá trị cho quá trình phát triển bền vững của Việt Nam hiện nay.
Để thu hút nhiều hơn các nhà đầu tư Na Uy, Việt Nam vẫn cần phải tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng công bằng, minh bạch và không ngừng gia tăng giá trị. Từ các doanh nghiệp cho đến chính phủ đều phải coi cải cách thể chế là quan trọng. Hệ thống thuế quan điện tử là minh chứng rõ ràng cho thành công của Việt Nam trong năm 2015 nhằm cải thiện và nâng cao năng lực cạnh tranh về đầu tư thương mại.
Trong một tương lai không xa, Hiệp định thương mại tự do Châu Âu (gồm Na Uy, Ai-len, Công quốc Liechtenstein và Thụy Sĩ) với Việt Nam chắc chắn sẽ đạt được thỏa thuận. Những điều khoản trong Hiệp định mang tính cạnh tranh, hiện đại và tự do thương mại sẽ là công cụ quan trọng để cải thiện hơn nữa khả năng hợp tác thương mại đầu tư giữa hai bên.
PV: Xin bà chia sẻ về những kế hoạch và chương trình chính mà Na Uy sẽ triển khai trong năm 2016 nhằm tăng cường và thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương giữa hai bên?
Đại sứ Siren Gjerme Eriksen: Năm 2016 kỷ niệm 45 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam và Na Uy – một mối quan hệ hợp tác bình đẳng lâu dài trong lịch sử. Na Uy là một trong số những quốc gia đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Sự hợp tác và phát triển lâu đời giữa hai bên đã tạo ra sự kết nối chặt chẽ giữa hai bên. Hai bên cũng giữ mối quan hệ hợp tác song phương trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc chính trị cơ bản. Chuyến thăm Việt Nam của nữ Thủ tướng Na Uy Erna Solberg hồi tháng 4/2015 theo lời mời của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam càng củng cố quan hệ giữa hai Nhà nước, hai quốc gia và đặt nền móng quan trọng để thúc đẩy hợp tác hữu nghị được kỳ vọng sẽ triển khai mạnh mẽ trong năm 2016.
Nữ Thủ tướng Na Uy Solberg cũng thăm Việt Nam với tư cách là Đồng Chủ tịch của Nhóm Vận động Mục tiêu thiên niên kỷ cấp cao của Tổng thư ký Liên hợp quốc và một trong những lý do quan trọng cho chuyến thăm của Bà đến Việt Nam là vận động cho những nỗ lực hoàn thành các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ và thảo luận các mục tiêu thay thế sau năm 2015 – các Mục tiêu Phát triển Bền vững.
Trong suốt chuyến thăm, nữ Thủ tướng Solberg đã ngạc nhiên về những thành tựu mà Việt Nam đạt được trong triển khai các mục tiêu thiên niên kỷ. Nỗ lực chung của chúng ta là cải thiện các mục tiêu phát triển bền vững và chắc chắn rằng không ai, không quốc gia nào bị bỏ lại phía sau và để làm được như vậy, đòi hỏi một khối thống nhất, sáng tạo với các sáng kiến thông minh, linh hoạt.
Cả Việt Nam và Na Uy đều hướng đến là những thành viên đầy trách nhiệm của cộng đồng quốc tế và là những thành viên tích cực của một Liên hợp quốc vững mạnh và hiệu quả. Sự tham gia của Việt Nam vào lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc đã minh chứng rõ rệt cho những cam kết toàn cầu của các bạn. Một minh chứng khác nữa là Việt Nam đã gần như thông qua Công ước chống tra tấn của Liên hợp quốc và Công ước quốc tế về các quyền của người khuyết tật. Na Uy trông đợi nhiều vào việc Việt Nam thực hiện đầy đủ các cam kết về nhân quyền mà Việt Nam đã tình nguyện tham gia.
Một lĩnh vực cũng không kém phần quan trọng mà hai bên cần hợp tác thúc đẩy là đối phó với biến đổi khí hậu. Chúng ta đang là những thế hệ cuối cùng có cơ hội để chấm dứt những tác động nguy hiểm tới khí hậu. Cả Việt Nam và Na Uy đều cùng cam kết đến cùng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu cũng như cam đoan làm theo Hiệp định toàn cầu đã đạt được tại Pari hồi tháng 12/2015. Cả Na Uy và Việt Nam sẽ cùng nhau đối phó với biến đổi khí hậu thông qua Hiệp định đã được thỏa thuận tại COP21 ở Pari (Pháp), trong đó gồm có cả những nỗ lực chống lại việc giảm thiểu diện tích rừng nhằm nâng độ che phủ rừng (REED+).
Tôi thấy có nhiều cơ hội để cải thiện hợp tác thương mại, đầu tư giữa hai nước và triển vọng hợp tác tốt hơn nhiều trong tương lai. Tôi hy vọng rằng hai bên sẽ hoàn thiện việc ký kết Hiệp định thương mại tự do trong năm nay. Đầu tư và thương mại là chìa khóa để thúc đẩy tăng trưởng, phát triển và gia tăng giá trị. Tăng cường hợp tác quốc tế sẽ có lợi cho cả hai nền kinh tế Việt Nam và Na Uy cũng như tạo ra nhiều cơ hội trao đổi kinh nghiệm và sáng kiến phát triển.
Việt Nam là một thành viên quan trọng của khối ASEAN và đang ngày càng gia tăng vị thế trên trường quốc tế, mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới. Na Uy đã là một đối tác đối thoại với ASEAN tại Hội nghị thượng đỉnh Bộ trưởng Ngoại giao khu vực ASEAN hồi tháng 8 vừa qua. ASEAN coi Na Uy là đối tác thương mại đứng thứ tư và Na Uy cũng coi đây là đối tác thương mại quan trọng của mình. Na Uy trông đợi vào sự phát triển sự hợp tác hữu nghị với ASEAN nói chung, với Việt Nam cũng như với các thành viên khác của ASEAN nói riêng.
2016 là một năm quan trọng của Việt Nam với việc bầu cử Quốc hội và bầu ra một thế hệ lãnh đạo mới. Tiếp tục phát huy thành công từ khóa trước, tăng trưởng kinh tế và tăng cường phúc lợi xã hội, đặc biệt là cho nhóm dân tộc thiểu số sẽ tiếp tục là những nội dung quan trọng trong năm Bính Thân này. Nhân dịp năm mới và chào đón Tết cổ truyền 2016, tôi xin chúc cho mọi người dân Việt Nam phồn vinh, sung túc, thịnh vượng và hạnh phúc. Chúc cho mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam và Na Uy ngày càng bền chặt!
PV: Xin trân trọng cảm ơn Bà Đại sứ!
HNV thực hiện